Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lời tạm biệt mùa thu

Mất ví. Bị xin đểu. Nợ nần.
Tất cả đều xảy ra trong vòng hai ngày. Và đó là lý do nó căm thù tháng Mười, cái tháng giao mùa ẩm ương, Thu gần đi mà Đông còn chưa tới.
Cách đây hai ngày, nó bị rạch ba-lô trên xe buýt và mất luôn cái ví Totoro yêu thích, cái ví nó đã phải tìm đỏ con mắt mới tìm mua được ở hội chợ Việt-Nhật, cái ví nó đã nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Tình hình tài chính trở nên bi đát hơn khi một trăm ngàn cuối cùng trong túi đã bị một tên thanh niên “xin đểu” trên đường nó đi bộ từ siêu thị về nhà. Nhưng dường như đời vẫn chưa đủ đen. Một buổi trưa, trong lúc mắt nhắm mắt mở đạp xe băng qua khu chợ nhỏ cạnh trường, nó đã lao ầm vào một chị hàng chuối. Hôm đó, lũ bạn được dịp cười bung rún khi thấy nó mếu máo xách tới lớp sáu nải chuối nát bấy như tương. Thế là một trăm ngàn vừa vay con bạn thân đã bay sạch. Due-day!
mua-thu-tinh-yeu
Đám bạn nó nhao nhao, mỗi đứa vào chém một câu: “Mặt lúc nào cũng lơ ngơ thế kia bảo sao không bị xin đểu!”; “Đã bảo bao nhiêu lần rồi, đi xe bus thì phải đeo ba-lô trước ngực!!!”; “Thôi, cầm lấy hai trăm xài đỡ, cuối tháng trả tao, lời lãi tính sau”. Cái Giang, thần bói chỉ tay, vật tay nó ra, săm soi đến từng đường vân li ti rồi phán:
-Tháng Mười này chính xác là tháng-tận-hạn của mày. Nhưng yên tâm, vận hạn sẽ hoàn toàn chấm dứt vào tháng Mười Một tới.
Nó nằm xõa trên bàn. Những gì còn sót lại của mùa Thu trong mắt nó đã chính thức hết dịu dàng.
“Nó nằm xõa trên bàn. Những gì còn sót lại của mùa Thu trong mắt nó đã chính thức hết dịu dàng…”
Nó bắt đầu tin vào lời phán của cái Giang sau một sự kiện bất ngờ con cá cờ xảy ra vào một buổi sáng chan chứa nắng. Tất nhiên, đó là ngày đầu tiên của tháng Mười Một. Sáng đó, nó đi ngang qua Tiamo Café và nhìn thấy tấm biển tuyển nhân viên rất xinh, cứ như là để dành riêng cho nó: “Cần tuyển nhân viên. Chăm chỉ, lịch sự. Lương thỏa thuận”. Ồi ôi, nó đứng lùi ra một góc, vuốt lại mớ tóc, chỉnh sửa áo quần, hít một hơi thật sảng khoái rồi đẩy nhẹ cửa bước vào. Mùi cà phê xay thoang thoảng. Màn phỏng vấn diễn ra chớp nhoáng, có vẻ như quán đang thiếu nhân viên trầm trọng:
-Em tên gì?
-Dạ, Thu.
-Bao nhiêu tuổi.
-Dạ, mười lăm tuổi rưỡi.
-Học trường nào?
-Dạ, Phú Nhuận.
-Có kinh nghiệm bán hàng không? Có đi làm ca tối được không? Có phương tiện đi lại không?
-Tất cả đều có ạ.
-Em từng bán hàng ở đâu?
-Dạ, bán… báo Hoa trong trường ạ.
-Lương một triệu rưỡi, bao cơm tối, làm từ 7 giờ đến 10 giờ thứ 3, 5, 7, Chủ Nhật. Đồng ý thì kí vào đây!
Lão quản lý cao kều mà nó đoán là chỉ nhỉnh hơn nó chừng dăm ba tuổi đẩy tờ hợp đồng về phía nó. Nó đọc thật kĩ hợp đồng để chắc chắn rằng mình không bị bóc lột sức lao động. Xong, nó kí. Công việc sẽ chính thức được bắt đầu vào tối mai.
Bố mẹ hoàn toàn ủng hộ việc nó đi làm thêm và hi vọng rằng từ tháng sau, nó có thể tự chi trả cho các khoản tiêu vặt, sách vở bút thước này nọ.
-Không khéo tháng sau lại có người tranh trả tiền net với mình í nhỉ! – Bố nó huýt sáo.
-Ấy, cái tạp dề chẳng hiểu sao bung hết chỉ rồi. – Mẹ nói bâng quơ.
-Hai, Asari và Shin chuẩn bị ra tập mới! – Con em nó rạng rỡ.
-Rồi rồi. Sẽ có quà cho tất cả! – Nó cười, hai mắt tít lên.
Cảm giác cứ như là vừa nhận được tháng lương đầu tiên ấy. Cơ mà, chuyện vặt! Một triệu rưỡi cơ mà.
Buổi chiều trước khi đi làm, mấy đứa cùng bàn nhìn nó bằng ánh mắt ngưỡng mộ:
-Mày sướng thật! Bố mẹ tao thậm chí còn không dám cho tao đi ăn sinh nhật tối.
-Một triệu rưỡi hả? Xài mát luôn nhoaaa!!!
-Có tháng lương đầu tiên cấm được quên bạn bè đấy!
” Trong một đống những yếu điểm như lạnh lùng, khó tính, khó gần, kì cục thì đây chính là điểm đáng yêu hiếm hoi mà nó thấy ở lão. Duy chỉ có một điều, ngoài khách ra, lão chưa cười với nhân viên bọn nó bao giờ, ý nó là một nụ cười thực sự í…”
Trước giờ vào ca chừng mươi phút, lão quản lý kéo nó riêng ra một góc, căn dặn thật kĩ những việc nó nên-làm, phải-làm, không-nên-làm và tuyệt-đối-không-được-làm. Lão ấy buồn cười tới mức đi đánh máy và in tất cả những điều quá đơn giản và dễ nhớ ấy ra làm hai cột: Do và Don’t. Ở cột Do, yêu cầu “Luôn cười thật tươi với khách” được tô đỏ, tương tự như thế với yêu cầu “Không được nhăn nhó với khách” ở cột Don’t. Nó gật gù: Ở đây, nó không chỉ bị quản lý về thời gian mà còn bị quản lý cả về trạng thái xúc cảm.
Sự háo hức chính thức bị ngủm củ tỏi sau 45 phút đầu tiên. Nó bị trượt chân trong lúc lên cầu thang và làm bể tan tành một ly mocktail. Lão quản lý lạnh lùng: “Tiền nước sẽ bị trừ thẳng vào tiền lương. Lần sau đi đứng nhớ phải để ý đấy!”. Gần xong ca thì nó gặp phải một vị khách khó tính kinh, bắt nó đổi đi đổi lại ly cà phê hương quế vì “Không đúng vị”. Sau 3 tiếng mệt phờ râu chạy long sòng sọc khắp mấy tầng lầu, nó chua chát nhận ra: Xét cho cùng, được ở nhà ăn cơm của bố mẹ, được nhận tiền tiêu vặt mỗi tháng từ bố mẹ vẫn là thung thướng nhấttt!!!
Nhưng nó không có ý định nghỉ làm. Mới vất vả có mấy tiếng mà đã giơ tay đầu hàng, nhục! Vì tiền tiêu vặt, vì cái tạp dề mới của mẹ, mấy cuốn truyện mới của con em, vì niềm tự hào ngớ ngẩn của bọn bạn cùng bàn và nhất là vì khoản ngân sách đang bị thâm hụt nặng. Thôi thì, rángggg!!!
Điều quyến rũ nó nhất ở Tiamo Café ngoài lương ra chính là mùi cà phê xay thơm nồng. Nó nghiện mùi hương này ngay lập tức. Lão quản lý tên Minh, sinh viên kiến trúc năm cuối. Những lúc cao điểm, tầm 7-8 giờ tối, nhân viên chạy cuồng lên không kịp phục vụ, lão lại rời quầy pha chế, đeo tạp dề và cũng chạy bàn như vịt. Trong một đống những yếu điểm như lạnh lùng, khó tính, khó gần, kì cục thì đây chính là điểm đáng yêu hiếm hoi mà nó thấy ở lão. Duy chỉ có một điều, ngoài khách ra, lão chưa cười với nhân viên bọn nó bao giờ, ý nó là một nụ cười thực sự í.
Ca tối của bọn nó có tất cả 4 nhân viên, nó nhỏ tuổi nhất. Chị Thanh là sinh viên năm nhất, hầu như không nói chuyện với nó ngoài mấy câu mệnh lệnh “Bàn số 2, một đen đá”, “Bàn số 5, tính tiền”… Ban đầu, nó cứ tưởng do bản mặt nó khó ưa, mãi sau này mới biết tính chị ấy vẫn thế. Anh Tuấn và anh Thắng đã là sinh viên năm hai, cứ hết việc là lại chúi mũi vào điện thoại đọc báo, chả nói chuyện với nhau mà cũng chả ừ hữ với ai. Nói chung, quán này toàn những con người lạnh lùng và kém thân thiện.
Đi làm thêm được 2 tuần, nó chợt nhận ra mình bắt đầu bớt nóng tính hẳn. Mới sáng nay, lúc cái Ly vô tình làm đổ cả hũ sữa chua lên quần nó, con bé xám mặt chờ cơn thịnh nộ thì nó chỉ rối rít: “Cho tao xin miếng khăn giấy, mau!”. Hay lúc thằng Tuấn làm rách một miếng báo của nó, phải mọi khi thì nó đã sạc cho thằng này một trận ra trò, bắt mua báo đền, thì nay nó chỉ thản nhiên: “Làm gì mà cứ chạy như ma đuổi thế?”. Phải nói là bọn bạn nó cứ trố mắt hết lượt. Thế đã là cái gì, đến bố nó cũng phải gật gù:
-Dạo này nhìn cái Thu nhà mình ra dáng lắm!
-Ra dáng thế nào? – Mẹ nó hỏi.
-Sáng dậy sớm biết pha cà phê cho bố. Pha ngon ngon là…
-Con chỉ là chân chạy bàn thôi bố ơi!
-Nhưng bố bảo ngon mà lị.
Nó tít mắt. Thực ra, pha cà phê thì có gì khó đâu, nhất là bố lại khoái uống cà phê đen đá, mà món ấy thì ai chả làm được. Nó chưa bao giờ yêu tháng Mười Một đến thế, nhất là ngày lãnh lương đang tới rất gần. Nó lật đật xem lịch, ồ, chỉ còn đúng hai ngày nữa. Nó sẽ giành bill trả tiền net với bố này, mua cái tạp dề màu cam cho mẹ này, vài cuốn truyện tranh cho con em này, và một đống bánh trái cho mấy đứa trong tổ nữa chứ. Hóa ra, kiếm tiền và mua quà cho những người mình thương yêu còn hạnh phúc hơn cả việc được sờ vào những tờ po-ly-me ấy.
Ngày cuối cùng của tháng, quán cà phê đông khách kinh. Phải tới 10 giờ hơn, những đôi chân mềm oặt vì chạy bàn mới được nghỉ. Giây phút hạnh phúc nhất đã đến, mọi người ngồi quây tròn quanh một cái bàn mây. Nhân vật quan trọng nhất mở ví, mở sổ. Một xấp tiền được đẩy về phía nó. Một triệu sáu trăm năm mươi ngàn. Nó được thưởng thêm vì làm việc tốt. Miệng nó nhành ra vì nụ cười sung sướng không thể kìm lại được. Anh Thắng ngồi bên cạnh đưa tay kí đầu nó một cái. Cả bàn cười vang. Nó thấy ruột mình như nở ra từng khúc. Chị Thanh cười, anh Tuấn cười, cả lão ấy cũng cười nốt. “Ai cũng cười đẹp thế mà sao bây giờ mới khoe ạ?” – nó thắc mắc. “Tại công việc bận rộn làm mọi người khô khan dần đi đó mà” – chị Thanh bảo. “Ngụy biện!” – Nó hét lên hài hước. Ai cũng bật cười.
“Tại công việc bận rộn làm mọi người khô khan dần đi đó mà” – chị Thanh bảo. “Ngụy biện!” – Nó hét lên hài hước. Ai cũng bật cười…
11 giờ đêm, nó xách xe đạp ra khỏi quán. Trời hơi lạnh, Lúc quẹo qua một con phố nhỏ, một tiếng vúttt lướt qua tai nó rất nhanh. Nó hốt hoảng bóp phanh. Chiếc túi đeo chéo trên lưng nó biến mất. Hai gã thanh niên chạy Wave đỏ rú ga mất hút vào bóng đêm. Nó buông thõng hai tay, chân gần như khuỵu xuống. Toàn bộ số tiền lương, điện thoại, cuốn sách yêu thích, thế là mất hết.
Qua cơn choáng váng, nó vẫn phải lầm lũi đạp xe về. Đoạn đường ngày thường bỗng trở nên dài thượt. Nó chưa muốn về nhà. Nó không biết sẽ nói thế nào với bố mẹ và em. Nó quyết định dừng xe bên vệ đường có đèn cao áp sáng choang, gục mặt lên đầu gối và khóc.
-Sao giờ này còn chưa về? – Chiếc xe Honda cũ đỗ xịch ngay trước mặt
Nó ngẩng mặt lên, hai mắt nhòe nước.
-Túi đâu? – lão hỏi nó.
-Mất rồi!
-Sao mất?
-Bị giật!
Lão xuống xe:
-Thế trong túi ngoài tiền lương ra thì còn có những gì?
-Điện thoại với cuốn sách.
-Mất rồi thì thôi, ngồi đây để làm mồi cho bọn côn đồ nữa hả?
Lão chở nó về, kéo theo sau chiếc xe đạp. Gió lạnh làm khô nước mắt. Nó im lặng. Tiếng lão dịu đi:
-Tiền mất vẫn có thể kiếm lại được. Lo gì!
Bố mẹ hốt hoảng khi thấy bộ dạng bơ phờ của nó. Bố bảo tiền net đã đóng từ hai hôm trước rồi. Mẹ bảo tạp dề chứ có phải đầm dạ hội đâu mà quan trọng hóa. Con em thì nhặng xị lên: “Có bị té không? Có bị xước đâu không?”. Hai mắt nó lại ngân ngấn nước.
-Thôi, coi như của đi thay người. Tiền tiêu vặt tháng sau cứ để bố, nhé!
Nó tắm qua quýt, ăn qua quýt bữa tối muộn mẹ để phần rồi chui tọt lên phòng, trùm mền, khóc rưng rức. Nó tiếc tiền, số tiền ấy lẽ ra nó đã có thể dùng vào khối việc. Sao vận xui còn đeo đẳng mãi thế?
Nó quay lại Tiamo Café. Vừa thấy bóng nó, cả quán bu lại:
-Lần sau cứ để hai anh thay phiên nhau đưa mày về. Con gái đi xe đạp về khuya một mình nguy hiểm lắm! – anh Thắng đề nghị.
-Cầm lấy cái này, cấm được từ chối đấy. Không phải tiền của mọi người đâu. – chị Thanh dúi vào tay nó cái phong bì.
Nó mở ra và lập tức đưa ngược trở lại:
-Không phải tiền của mọi người thì số tiền này ở đâu ra?
-Tiền “thặng dư” của tháng rồi. Không nhiều đâu, coi như em gánh phần xui cho cả quán. Cầm đi! – Lão bình thản.
Chị Thanh chẳng nói chẳng rằng, nhét phong bì vào chiếc ba-lô bố mới mua cho nó. Lão lật đật trở lại quầy, anh Tuấn và anh Thắng trở vào trong đeo tạp dề. Nó phải mất một lúc lâu mới trấn tĩnh lại được. Tất cả những chuyện này, sao tới cùng một lúc như thế?
Tối, nó xé phong bì. Tám trăm ngàn mới cứng và một mảnh giấy nhỏ xíu có gương mặt cười kèm dòng chữ: “Cười đẹp thế thì phải cười nhiều lên!”.” Nét chữ con trai, nhưng chẳng biết là của ai: anh Tuấn, anh Thắng hay là lão. Nhưng nào có quan trọng gì!
Bọn bạn nó đã từng bảo “Trong cái rủi có cái may, và phải luôn nhìn thấy cái may”. Nó nhét tám trăm ngàn dưới gối. Số tiền ấy đủ để mua quà cho tất cả mọi người. Nhưng nó còn chưa biết các anh chị ở quán thích gì nữa, nhất là lão. Lão thì khó tính và kĩ tính kinh lên được. Đêm, lạnh. Nó trùm mền qua đầu, lẩm bẩm khi chìm vào giấc ngủ êm: Những chuyện buồn vẫn đến và rồi sẽ đi mau thôi. Cứ tin như thế, là được!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét