Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng?

Vì sao trẻ bị suy dinh dưỡng?

Suy dinh dưỡng ở trẻ thường do tổng hợp nhiều nguyên nhân gây ra như:

- Do dinh dưỡng: Trẻ không được bú sữa mẹ, cho ăn dặm không đúng cách, không biết cách lựa chọn thực phẩm phù hợp với trẻ, cho trẻ ăn quá ít lần trong ngày, kiêng khem quá mức khi trẻ bị bệnh.

- Do ốm đau kéo dài: Trẻ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu hóa nhiều lần, biến chứng sau các bệnh viêm phổi, sởi, lỵ…

- Do thể tạng dị tật: Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng bào thai, các dị tật sứt môi, hở hàm ếch, tim bẩm sinh.

- Do điều kiện kinh tế - xã hội: Suy dinh dưỡng là một bệnh do ảnh hưởng của nghèo nàn và lạc hậu, có liên quan đến kinh tế, văn hóa, dân trí.

Ngoài ra, theo khoa học béo phì cũng là một dạng của suy dinh dưỡng và thường được gọi là thừa cân béo phì để phân biệt với nhóm suy dinh dưỡng thực sự. Trong trường hợp này, nhìn bên ngoài trẻ có thể trạng béo tốt, nhưng rất có thể trẻ đang bị thiếu canci, thiếu vitamin D, thiếu máu, thiếu sắt, còi xương…

Trẻ suy dinh dưỡng thể thừa cân béo phì phần lớn là do ăn nhiều chất đạm, chất béo, ăn nhiều chất bột đường nhưng có sự mất cân bằng giữa các nhóm chất như: ăn quá nhiều cơm, bánh mỳ, hoặc ăn quá nhiều bánh kẹo, uống nhiều nước ngọt… Chế độ này có thể nhiều năng lượng nhưng năng lượng lại chủ yếu nằm ở chất béo, chất bột đường.

Một số nguyên nhân khác ít gặp hơn như trẻ hoạt động quá nhiều, hoặc sống trong môi trường quá nóng, quá lạnh, làm tiêu hao năng lượng nhiều; hoặc trẻ bị bệnh nặng có nhu cầu các dưỡng chất cao mà không được cung cấp tăng cường.

Muốn biết trẻ có bị suy dinh dưỡng hay không các bà mẹ cần phải theo dõi cân nặng thường xuyên cho trẻ trên biểu đồ phát triển. Nếu thấy 2 - 3 tháng liền trẻ không tăng cân cần phải đưa trẻ đi khám bác sĩ để tìm hiểu nguyên nhân.

Theo tiêu chuẩn cân nặng/tuổi người ta chia suy dinh dưỡng làm 3 độ:

- Suy dinh dưỡng độ I: Trọng lượng còn 90% so với tuổi

- Suy dinh dưỡng độ II: Trọng lượng còn 75% so với tuổi

- Suy dinh dưỡng độ III: Trọng lượng còn dưới 60% so với tuổi.

Những nguy cơ của suy dinh dưỡng

Suy dinh dưỡng là nguyên nhân làm tăng tỉ lệ tử vong ở trẻ em dưới 5 tuổi; là điều kiện thuận lợi để các bệnh lý hô hấp, tiêu chảy… xảy ra và kéo dài, bệnh lý làm cho trẻ ăn uống kém, nhu cầu năng lượng gia tăng và vì vậy suy dinh dưỡng ngày càng trở nên nặng nề hơn; Ảnh hưởng đến phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.

Trẻ bị suy dinh dưỡng cũng thường chậm chạp lờ đờ vì vậy giao tiếp xã hội thường kém, kéo theo sự giảm học hỏi, tiếp thu.

Biểu hiện suy dinh dưỡng ở trẻ

Giai đoạn sớm: Thường chỉ có biểu hiện đứng cân kéo dài hay sụt cân.

Giai đoàn toàn phát: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng. Khi thăm khám thấy có thể biểu hiện của thể phù, thể teo đét hay hỗn hợp.

Thể phù: Trẻ chỉ được nuôi bằng chất bột, thiếu tất cả những chất dinh dưỡng đa lượng có cung cấp năng lượng và các chất dinh dưỡng vi lượng khác. Các triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là: Phù trắng, mềm toàn thân; Rối loạn sắc tố da; Da xanh, niêm nhạt, suy thoái ở da, lông, tóc, móng; Còi xương;  Chậm phát triển tâm thần, vận động: Trẻ mệt mỏi, không hoạt bát, hay quấy khóc, chán ăn, ít ngủ, hay bệnh, chậm biết bò trườn, đi đứng, chậm mọc răng.

Thể teo đét: Trẻ thiếu dinh dưỡng toàn bộ, cân nặng còn dưới 60% so với cân nặng trẻ bình thường. Mất toàn bộ lớp mỡ dưới da bụng, mông, chi, trẻ teo đét, chi còn da bọc xương, vẻ mặt như cụ già. Tinh thần mệt mỏi, ít phản ứng với ngoại cảnh, trẻ hay quấy khóc, không chịu chơi, không ăn hoặc kém ăn. Thường xuyên có rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, phân sống.

Thể hỗn hợp: Thể phù sau khi điều trị phục hồi một phần, hết phù trở thành teo đét nhưng gan vẫn thoái hoá mỡ.

Chế độ dinh dưỡng cho trẻ 1-3 tuổi

- Trẻ sẽ cần 28g chất đạm trong một ngày. Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, tôm, cua, lươn, lạc, vừng, đậu đỗ…

- 30-40g chất béo một ngày. Chất béo có nhiều trong: mỡ gà, mỡ lợn…

- Về khoáng chất: Lứa tuổi này cần được cung cấp đủ canxi và phốt pho theo tỷ lệ canxi/phốt pho là 1/1,5. Trong đó canxi cần khoảng 400 - 500mg/ngày. Ngoài ra cũng cần bổ sung 6-7mg sắt/ngày cho trẻ. Bạn có thể cho trẻ ăn nhiều các loại thức ăn như: tôm, cua, ốc, cá… để bổ sung canxi và ngũ cốc để bổ sung phốt pho.

- Cần cung cấp thêm vitamin D cho trẻ hằng ngày bằng cách tắm nắng khoảng 30 phút/ngày. Mùa hè nên tắm nắng vào khoảng 7-8 giờ sáng, mùa đông nên từ 15 đến 17 giờ. Mùa đông ít nắng có thể cho trẻ uống bổ sung vitamin D3. Trẻ cần vitamin D khoảng 400UI/ngày. Bạn có thể cho trẻ ăn: bú sữa mẹ, ăn lòng đỏ trứng và gan.

- Ngoài ra, mỗi ngày trẻ cần khoảng 400 mcg vitamin A, 30-60 mg vitamin C có nhiều trong các loại rau củ như cà rốt, đu đủ, rau cải...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét