Thứ Bảy, 14 tháng 11, 2015

Cách nhận diện viêm khớp dạng thấp

Bệnh viêm khớp dạng thấp là một bệnh khớp thường gặp nhất ở nhưng người cao tuổi, do không có dấu hiệu đặc biệt nên nhiều khi người ta thường khó phát hiện khi bệnh ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, thấp khớp teo đét, biến dạng thì chúng ta mới nhận ra, khi đó điều trị là một vấn đề hết sức khó khăn.

Làm thế nào để nhận diện viêm khớp dạng thấp 1

Viêm khớp dạng thấp là gì?

Viêm khớp dạng thấp còn có nhiều tên gọi khác như: thấp khớp teo đét, viêm khớp mạn tính tiến triển, thấp khớp mạn tính dính và biến dạng, viêm đa khớp dạng thấp, là bệnh mạn tính, không rõ nguyên nhân, diễn biến kéo dài và thường dẫn đến hậu quả là bệnh nhân bị tàn phế.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, nhưng chủ yếu tấn công vào khớp, gây tình trạng viêm màng hoạt dịch. Viêm màng hoạt dịch là viêm màng lót các khớp và bao gân làm các khớp của bệnh nhân bị sưng, đau, nóng.

Đặc điểm nhận dạng viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp có tính chất đối xứng 2 bên, mu bàn tay sưng nhiều hơn lòng bàn tay. Bệnh nhân bị đau nhiều về đêm và gần sáng; có thể có tràn dịch trong khớp gối kèm theo cứng khớp vào buổi sáng sớm sau khi thức dậy hoặc sau một thời gian dài không hoạt động. Cứng khớp vào buổi sáng thường kéo dài hơn một giờ đồng hồ.
Theo thời gian, nhiều khớp bị tổn thương, phổ biến nhất là các khớp nhỏ ở bàn tay, bàn chân, cột sống cổ. Các khớp lớn hơn cũng có thể bị ảnh hưởng, như: khớp vai, khớp gối và sự thay đổi tùy theo cơ địa của từng người.
Khớp háng, cột sống, khớp hàm, khớp ức đòn cũng có thể bị tổn thương nhưng hiếm gặp và thường xuất hiện muộn. Viêm khớp tiến triển nặng dần dẫn đến dính và biến dạng khớp, bệnh trầm trọng sẽ gây mất chức năng vận động, tàn phế hoàn toàn.
Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp còn có thể có biểu hiện toàn thân và ngoài khớp như: sốt nhẹ, gầy sút, mệt mỏi, ăn ngủ kém, thiếu máu, rối loạn thần kinh thực vật, nổi các hạt dưới da, teo cơ rõ rệt vùng quanh khớp tổn thương…
Một số ít trường hợp có thể tổn thương cơ tim, màng ngoài tim, viêm màng phổi nhẹ, xơ phổi, hạch to, lách to, loãng xương, gãy xương tự nhiên, viêm các mạch máu nhỏ và trung bình, viêm giác mạc, viêm mống mắt thể mi, chèn ép các dây thần kinh, nhiễm bột ở thận…

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khó chẩn đoán vì không có một xét nghiệm riêng nào dành cho bệnh này. Triệu chứng bệnh có thể giống như các bệnh khớp khác và chỉ có thể nhận biết triệu chứng đầy đủ sau một thời gian bệnh phát triển.
Cho đến nay chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi viêm khớp dạng thấp. Nguyên tắc chung trong điều trị viêm khớp dạng thấp là phải kiên trì, liên tục, có khi suốt cả đời và cần kết hợp nhiều biện pháp: nội khoa, ngoại khoa, vật lý trị liệu, chỉnh hình…
Cách điều trị chủ yếu là nhằm mục đích chống hiện tượng viêm ở khớp và các mô khác, làm ngưng hoặc làm chậm quá trình tiến triển của bệnh, duy trì chức năng của khớp và cơ, phòng ngừa sự biến dạng, sửa chữa tổn thương ở khớp nhằm giảm đau hay phục hồi chức năng.
Bệnh nhân cần được bác sĩ chuyên khoa khớp tư vấn, chẩn đoán xác định và chọn lựa phương pháp điều trị thích hợp nhất. Nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nên đến bác sĩ sớm để được chẩn đoán, điều trị kịp thời, hạn chế tình trạng viêm khớp nặng thêm hoặc biến chứng nặng có thể xảy ra

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét