Ông Trần Văn Nghĩa - phó cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT - cho biết:
-
So với năm 2013, kỳ thi chung năm 2014 chỉ có một điểm thay đổi về một
số điều chỉnh của chính sách ưu tiên. Về cơ bản, các đối tượng được
hưởng ưu tiên sẽ được giữ ổn định, nhưng mức độ ưu tiên, điểm cộng ưu
tiên cho một số đối tượng sẽ có thay đổi. Dự thảo hiện tại có bổ sung
đối tượng khuyết tật nặng được cộng 1 điểm ưu tiên trong tuyển sinh.
Những điều chỉnh này sẽ được quy định chi tiết trong thông tư sửa đổi
Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2014 dự kiến ban
hành trong tháng 2.
Tăng cường đề thi mở
*
Đề thi năm 2013 được đánh giá “dễ thở”, đáp án cũng “rộng” hơn các năm
trước. Vậy năm 2014 tinh thần ra đề thi tuyển sinh sẽ ở mức khó - dễ thế
nào để có thể phân loại được thí sinh mà vẫn bảo đảm nguồn tuyển cho
các trường, thưa ông?
- Năm 2013 số thí sinh đạt điểm trên sàn
tăng thêm hơn 100.000 em, bổ sung được một nguồn tuyển tương đối lớn cho
nhiều trường. Phân tích kết quả tuyển sinh của năm 2013 và qua xem xét
công tác xét tuyển của các trường cho thấy định hướng ra đề thi năm 2013
là hoàn toàn đúng đắn. Năm 2014, hướng ra đề thi vẫn tiếp tục ổn định
như năm 2013.
Thực
tế ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh năm 2013, bộ đã giao Cục
Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục phân tích kết quả tuyển sinh
để tìm ra những điểm chưa hợp lý về đề thi các môn, hoàn thiện ma trận
đề thi, phục vụ kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2014. Đồng thời, bộ đã tổ chức hội
thảo để các chuyên gia phân tích các nguyên nhân dẫn đến hạn chế để có
thể cải tiến đề thi. Phân tích đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ cho thấy: kết
quả thi không chỉ phụ thuộc vào đề thi mà còn phụ thuộc vào đối tượng dự
thi (thể hiện qua kết quả của cùng một đề thi với độ khó tương đương
thì kết quả khối A thấp nhưng các khối khác lại tốt hơn nhiều, hoặc kết
quả ở trường này thấp song ở trường kia lại rất cao).
* Việc ra đề
thi mở, khơi gợi khuynh hướng học tập kích thích tư duy, không phụ
thuộc vào việc học tủ, học thuộc lòng mà Bộ GD-ĐT đã áp dụng hiệu quả
hai năm gần đây sẽ chỉ gói gọn ở các môn văn, sử hay sẽ mở rộng sang cả
các môn thi khác, thưa ông?
- Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ theo “ba
chung” của năm 2014 sẽ được tiếp tục ra theo hướng tăng cường câu hỏi
mở. Ở các môn thi trắc nghiệm sẽ bổ sung, cải tiến hình thức câu trắc
nghiệm để giảm thiểu khả năng đoán mò, “ăn may” của thí sinh. Ở đề thi
tự luận của các môn khoa học xã hội như văn, sử, địa sẽ tăng cường đề
thi mở, hạn chế việc ra các câu hỏi yêu cầu học sinh phải nhớ máy móc
các con số và sự kiện. Với các môn khoa học tự nhiên như toán cũng định
hướng tăng cường các câu hỏi nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức
tổng hợp của học sinh vào giải quyết các vấn đề thực tiễn, khắc phục
tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có
sẵn.
Thông thường trong hướng dẫn chấm đối với các môn khoa học
xã hội, ngoài những lưu ý về nguyên tắc chấm thi nói chung, ban đề thi
sẽ có những hướng dẫn chấm rất cụ thể. Các năm trước với các môn khoa
học xã hội, nhất là môn ngữ văn, khi đề thi ra theo hướng mở, hướng dẫn
chấm lưu ý cán bộ chấm thi chấm tối đa theo thang điểm với những bài
viết đủ ý cần thiết, triển khai luận điểm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát,
có cảm xúc. Hướng dẫn chấm cũng khuyến khích những bài viết sáng tạo.
Đặc biệt trong quá trình chấm, cán bộ chấm thi sẽ chấp nhận những ý độc
đáo, ngoài đáp án nhưng đúng, có căn cứ xác đáng và lý lẽ thuyết phục.
Tuy nhiên, cán bộ chấm thi sẽ trừ điểm với những lỗi về hành văn, ngữ
pháp và lỗi chính tả.
Đề thi không quá khó
* Nhiều thí sinh lo ngại đề thi tuyển sinh quá khó, nhiều kiến thức nằm ngoài chương trình?
-
Nguyên tắc của việc ra đề thi là không ra đề quá khó, quá phức tạp. Thí
sinh nên yên tâm tập trung học ôn thật tốt trong chương trình trung học
hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12.
Đề thi ĐH, CĐ năm nay
sẽ bám sát chương trình trung học (theo từng bộ môn) và có nhiều câu để
kiểm tra bao quát chương trình trung học, chủ yếu là chương trình lớp
12, bảo đảm cân đối giữa các phần trong chương trình, đúng các quy định
về điều chỉnh nội dung môn học. Đề thi cũng bảo đảm thống nhất các ký
hiệu, thuật ngữ hiện hành. Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ luôn được thực hiện
một cách nghiêm túc, chặt chẽ. Để bảo đảm sự phù hợp của đề thi với
chương trình học phổ thông, trong ban đề thi luôn có các cán bộ phản
biện đề thi làm nhiệm vụ trực tiếp giải chi tiết đề, phát hiện những sai
sót (nếu có) của đề và có trách nhiệm đề xuất ý kiến bằng văn bản với
trưởng môn thi về nội dung đề thi, độ khó, độ dài, đáp án, thang điểm và
các phương án bổ sung sửa chữa cần thiết.
* Ở đề thi khối D, môn
ngoại ngữ sẽ được cải tiến thế nào khi chính Bộ GD-ĐT vừa ban hành khung
năng lực ngoại ngữ VN và xem đây là cơ sở cho việc đánh giá năng lực
ngoại ngữ của người học?
- Những năm vừa qua đề thi các môn ngoại
ngữ trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy được ra theo hướng đánh
giá năng lực ngoại ngữ của học sinh, bám sát các kiến thức kỹ năng được
trang bị trong chương trình phổ thông. Hiện nay chưa thay đổi chương
trình phổ thông nên đề thi các môn ngoại ngữ tiếp tục giữ ổn định như
các năm vừa qua.
* Một số trường đề xuất tuyển sinh riêng có hình
thức phỏng vấn. Đối với các trường sử dụng hình thức phỏng vấn để tuyển
sinh, đội ngũ tham gia phỏng vấn và nội dung phỏng vấn được quy định thế
nào, thưa ông?
- Trong một vài đề án tuyển sinh riêng, các trường
có bổ sung hình thức phỏng vấn. Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường đó ngay
trong đề án phải chỉ rõ các chủ đề mà bài phỏng vấn sẽ đề cập, yêu cầu
về các kiến thức nằm trong chương trình phổ thông, các trường phải chuẩn
bị câu hỏi phỏng vấn đủ lớn (đảm bảo bảo mật), phải có cách lưu giữ
được kết quả trả lời phỏng vấn của thí sinh (phục vụ việc giải quyết
khiếu kiện sau này). Để nắm được một cách chi tiết các quy định về phỏng
vấn, học sinh cần nghiên cứu nội dung của đề án tuyển sinh được đăng
tải trên trang web của bộ, trang web của trường và các phương tiện thông
tin đại chúng khác.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét