Chè sắn nóng
Mùa thu, khi tiết trời se lạnh, bạn có thể gặp đâu đó trên những con phố Hà Nội, từng gánh hàng rong một bên là một chiếc nồi ủ trong chiếc chăn giữ ấm, bên gánh bên kia là bát đĩa, và những thứ linh tinh để phục vụ cho một món ăn đường phố.
Chè sắn có màu rất giản dị, nâu nhè nhẹ, hơi quánh lại, những miếng sắn cắt vuông vức hình bao diêm, một món ăn chân quê nhưng rất nhiều người ưa thích. Điểm đặc biệt của món chè sắn này chỉ ăn nóng, để cảm nhận vị ngọt của đường, vị cay cay của vị gừng tươi quyện với mùi thơm của sắn, quấn quýt nơi đầu lưỡi.
Chè có màu rất giản dị, nâu nhè nhẹ, hơi quánh lại, những miếng sắn cắt vuông vức hình bao diêm, một món ăn chân quê nhưng rất nhiều người ưa thích.
Chẳng biết từ khi nào, cứ vào độ thu sang, giới trẻ lại truyền tai nhau món chè sắn trên phố Lý Quốc Sư. Không cầu kỳ, người ăn sà xuống, quây quần bên nồi chè nóng, những miếng sắn dẻo quyện với nước dùng chế từ bột đao đặc sánh, cho vào miệng như muốn tan chảy.
Cũng có nơi, người bán cho thêm chút cốt dừa, hay những sợi dừa trắng tinh nạo sợi nhỏ, điểm tô lên bát chè màu nâu óng, để cảm nhận được vị bùi béo và hương thơm đặc trưng của sắn.
Bánh trôi tàu
Có lẽ với người Hà Nội, bánh trôi tàu không phải là món ăn lạ lẫm. Không ai không biết đến món bánh trôi tàu nóng của nghệ sĩ Phạm Bằng trên phố Hàng Giầy. Quán dường như đông khách hơn khi những cơn gió heo may ùa về, người Hà Nội lại thèm một chút dư vị của loại bánh được làm bằng bột nếp, đậu xanh và chan thêm chút nước dùng bằng đường mật sóng sánh, thơm chút vị cay cay, thơm thơm của gừng. Rất tiếc, quán giờ không còn bán nữa mà không ai biết tại sao, nhưng mỗi khi đi qua đây, những người nào từng một thời nghiện đều có chút bâng khuâng.Món bánh trôi tàu.
Gờ trên nhiều tuyến phố, những gánh hàng rong bán bánh trôi tàu cũng nhiều hơn. Khi khách yên vị trên những chiếc ghế nhựa trên vỉa hè, người bán hàng mới múc ra bát, để món bánh luôn nóng hổi, tỏa ra mùi thơm của gừng, của mật. Một viên có nhân đậu xanh nhuyễn xào dừa, một viên lại có nhân vừng đen, thơm bùi, hòa quyện trong bát nước màu nâu nhạt với nước cốt dừa ngầy ngậy đem lại một hương vị thật đặc trưng và quyến rũ.Chè cốm
Có thể coi là một món ăn "đặc sản" của người Hà Nội khi thời tiết giao mùa. Mùi thơm cốm non, vị ngọt của đường cát đem lại cho bát chè hương vị thanh tao đến lạ.Những người ghé qua Hà Nội vào tháng 9, không thể không thử món chè cốm thi vi, đặc trưng cho nét tinh túy của ẩm thực Hà thành. Để nấu được một bát chè cốm không khó. Cốm được coi là "linh hồn" của bát chè, vì vậy việc chọn cốm phải rất cẩn thận, phải là cốm xanh non, thơm dẻo, nổi tiếng của làng Vòng. Cốm được làm từ nếp cái hoa vàng là ngon nhất, hạt to, đều.
Chè cốm luôn hấp dẫn những du khách khi ghé Hà Nội.
Một chút đường cát trắng được hòa cùng với nước, đun sôi rồi thả hạt cốm vào, thêm một chút bột năng đun cho đến khi sánh lại. Những hạt cốm xanh, mềm nở đều quyện thêm chút nước hoa bưởi hoặc va ni dậy mùi thơm. Còn gì thú vị bằng ngồi ngắm phố phường Hà Nội trong nắng thu dìu dịu, và thưởng thức món chè cốm ngọt nhẹ, để thấy cuộc sống thật thi vị.
Cốm xào
Cốm xào hấp dẫn thực khách ngay từ lần đầu thưởng thức với cảm giác dẻo quánh nơi đầu lưỡi, vị thơm thơm của cốm, hòa lẫn vị ngọt của đường và vị thơm ngầy ngậy của vài sợi dừa trắng tạo nên một món ăn hấp dẫn.Vào mỗi độ thu sang, dường như góc bếp nhà ai cũng không thể thiếu được chút cốm nổi tiếng của làng Vòng. Chế món cốm xào cũng không hẳn cầu kỳ. Người ta hòa đường cát trắng vào chút nước trong chảo cho tan, khi đường sôi cho cốm vào đảo nhẹ, cho đến khi chảo cốm sền sệt, cả đường và cốm đều hòa quyện vào nhau. Nhưng quan trọng phải xào thật đều tay, để hạt cốm hơi ngả màu một chút.
Món cốm xào thơm mùi dừa non với hương vị đặc trưng.
Thêm chút dầu ăn để hạt cốm bóng bẩy, rắc một chút vừng rang vàng và ít dừa non bào sợi. Để nguội, cốm xào cũng có vị đặc trưng riêng, đĩa cốm quánh lại, nhấm nháp thêm cùng chén trà sen nóng, thấy vị ngọt lan tỏa trong miệng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét