Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại, yêu thương nhiều hơn và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
Những
ngày tháng Bẩy âm lịch lại về, mang theo chút mưa nắng thất thường đan
xen vào dòng đời tấp nập. Cũng chính lúc này, nhà nhà đều thành kính
bước vào mùa Vu Lan - mùa báo hiếu…
Bản
chất cuộc đời như con thuyền ngoài biển khơi, có lúc sóng yên gió lặng,
thuyền đi êm ả và đích đến dễ dàng đạt được. Nhưng phần lớn trên hành
trình ấy, con truyền thường phải đương đầu với muôn vàn sóng gió để cập
bờ.
Đó là những lúc buồn - vui – sướng - khổ, là những giây phút
tươi nở nụ cười hay rưng rưng nước mắt. Trong khoảnh khắc đó, con người
ta thường có thiên hướng nghĩ tới xuất phát điểm của cuộc đời mình mà
tung hô hay than vãn.
Và cho dù là sung sướng hay kêu than, thì
ngàn đời nay muôn người vẫn thường than với Trời, sau đó là than với Cha
mẹ. Ừ thì than Trời, nhưng dẫu có than Trời thì vẫn cao quá, xa quá,
đâu thấu lòng ta!
Vậy còn lại chỉ có Cha mẹ là nơi trút bỏ mọi ưu
tư, sầu khổ của kiếp người. Bởi Mẹ cha là nguồn cội, là cái nôi sinh
thành và cho ta được sống để có thể biết khổ đau hay hạnh phúc!
Kiếm
đâu ra trên thế gian này một điểm tựa vững chắc như Cha. Tìm đâu ra
giữa biển người bao la một vòng tay ấm áp yêu thương như vòng tay Mẹ. Dù
cho đi hết cuộc đời thì lòng cha mẹ vẫn không phút giây nào thôi trông
mong, lo lắng cho những đứa con mà họ đã dứt ruột sinh thành.
Công
lao trời bể của Mẹ cha cho tới hết đời, không một người con nào có thể
trả cạn. Chỉ có thể đền đáp ơn sâu ấy bằng việc sống sao cho nên người,
cho lành thiện. Nhất là với người trẻ chúng ta khi nhớ về Mẹ-Cha, bậc
sinh thành yêu quý mà trong nhịp thở gấp gáp của cuộc sống hiện đại, ai
đó đã có phút sao nhãng, lãng quên.
Mùa báo hiếu tháng 7 Âm lịch
cũng là dịp để ta sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn, gửi gắm tình
cảm và hành động thực sự tới những số phận xung quanh mình.
Ai đã
mất đi Cha mẹ thì trọn đời không được quên lãng công lao dưỡng dục của
đấng sinh thành. Ai còn cha mẹ thì càng phải sống sao cho có đạo hiếu,
chớ thờ ơ, tàn nhẫn mà bất kính, bất hiếu với Mẹ cha để phải ôm trong
lòng nỗi xót xa, ân hận.
Ta hành động hiếu hạnh không phải để
mong cho bản thân ta có thêm điều lợi hay tiếng thơm, mà đơn giản là để
thấy lòng nhẹ bẫng, vui vẻ và thanh thản, hành động để thấu được triết
lí giản đơn mà sâu xa của Phật dạy, ấy là phải biết “Từ, bi, hỷ, xả” hay
“vô ngã", "vị tha”, cũng là tiếp bước dòng chủ lưu của đạo lý dân tộc:
“Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Bạn có thể
chọn một bông hoa cài lên ngực áo hoặc không trong ngày lễ Vu Lan, nhưng
nghĩ về ngày này với ý nghĩa nhân bản, âu cũng là cách để bạn tri ân
cuộc sống tươi đẹp này. Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình
yêu, sự cao quý và ngát hương.
Việc nhớ về bâc sinh thành và cài
lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái
gửi đến bậc sinh thành. Với ý nghĩa đó, nhiều người Việt mình đến ngày
Vu Lan đều cài một bông hoa màu hồng lên áo, ấy là biểu tượng của việc
còn Mẹ-Cha. Ai đã mất mẹ thì cài hoa trắng.
Người có hoa hồng hẳn
sẽ tự hào vô cùng vì trên đời này còn có Mẹ-Cha. Ai mang hoa trắng sẽ
thấy như một sự nhắc nhở, rằng mình đã lỡ mất những gì quý giá nhất, từ
đó mà hành động sao cho phải với lương tâm.
Tháng 7, mùa Vu Lan
báo hiếu về, có người con nào không nhớ tới những người cha, người mẹ,
công ơn hoài thai ấp ủ mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng 10 ngày, công ơn
dưỡng dục bằng những chắt chiu yêu thương và hy sinh thầm lặng suốt cả
cuộc đời.
Cha một đời oằn vai gánh nặng
Mẹ một đời đôi dép lạc bàn chân
Vu Lan là dịp đặc biệt để giới trẻ sống chậm lại và yêu thương nhiều hơn. Và xin chớ quên rằng: Ai còn Cha mẹ… xin đừng thờ ơ!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét